Đây là lần hiếm hoi một công trình kiến trúc có yếu tố bản sắc văn hóa lọt top những công trình xuất sắc nhất.

Công trình của nghệ sĩ Xuân Hinh được đánh giá gần gũi với thiên nhiên, mang đậm văn hóa Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Domus là một tạp chí thiết kế và kiến trúc uy tín của thế giới. Mỗi năm, tạp chí này sẽ mời các giám tuyền riêng là các cây đa, cây đề trong lĩnh vực kiến trúc toàn cầu để tìm ra những công trình, những nhà thiết kế xuất sắc của năm.

Năm 2023, giám tuyền cho bảng xế hạng Best Architecture Projects 2023 (Dự án kiến trúc tốt nhất năm 2023) là Steven Holl và Toshiko Mori – 2 kiến trúc sư nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kiến trúc.

Và kết quả bảng xếp hạng Dự án kiến trúc tốt nhất năm 2023 đã gọi tên các công trình như: Công trình Serpentine Pavilion 2023 do kiến trúc sư người Pháp gốc Li-băng Lina Ghotmeh thiết kế; Tòa tháp mới của Teatro alla Scala ở Milan do Mario Botta phối hợp với Emilio Pizzi thiết kế; Nhà máy quốc tế Avia Studio do văn phòng OMA thiết kế… và Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Hà và Arb Architects Việt Nam.

Viết về Bảo tàng Đạo Mẫu, tạp chí này đã dành nhiều lời khen ngợi. Đây có thể được coi là niềm tự hào đối với ngành kiến trúc Việt Nam khi được đứng chung trong hàng ngũ kiến trúc thế giới.

Thiết kế của bảo tàng gồm: Nơi trưng bày hiện vật, phòng trưng bày và nhiều phòng chức năng khác. Bảo tàng không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống để thế hệ trẻ yêu hơn văn hóa Việt.

“Tôi vất vả cả cuộc đời mới xây dựng được công trình này để cảm ơn Mẫu – là mẹ của muôn dân. Tôi muốn cảm ơn vì mình được “ăn lộc” Mẫu mới có ngày hôm nay. Tôi yêu nơi này nên rất tâm huyết để xây dựng và chăm chút cho công trình”, ông tâm sự.

Thu gom ngói trong 8 năm, trải qua 4 năm xây dựng, Bảo tàng Đạo Mẫu giờ đây đã chính thức được thành hình.

Đi khắp nơi để thu thập 5 triệu viên ngói cổ, xây dựng nên Bảo tàng Đạo Mẫu mang kiến trúc ấn tượng được thế giới vinh danh. Ít ai biết ý tưởng để  xây dựng nên công trình đặc biệt này của nghệ sĩ Xuân Hinh cũng ẩn chứa nhiều nhân duyên kì lạ.

Là nghệ sĩ dân gian hàng đầu Việt Nam, nghệ sĩ Xuân Hinh luôn ấp ủ có một công trình đặc biệt để xây dựng “Linh từ – uống nước nhớ nguồn” – nơi ông thờ Mẫu và lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống của người Việt.

Đã từng tìm tới nhiều kiến trúc sư để thực hiện ý tưởng, thậm chí mất tiền cho vô số bản thiết kế, tuy nhiên vẫn chưa thể “bén duyên”. Cho tới khi ông gặp kiến trúc sư Nguyễn Hà. Ấn tượng về một nữ kiến trúc sư trẻ tài năng, nghệ sĩ cho biết: “Tôi cũng không biết tại sao, nghệ thuật là bức tranh cảm xúc… Linh tính mách bảo tôi là cô ấy phù hợp. Tài năng thì còn phải kiểm chứng nhưng ở cô ấy có sự nhất tâm với điều mình làm”. Trong lần khảo sát đầu tiên, từ một câu hỏi muốn xây công trình từ nguyên liệu gì của nghệ sĩ Xuân Hình, ý tưởng về một Bảo tàng Đạo Mẫu với những viên ngói cổ được chính thức thành hình. Kiến trúc sư Nguyễn Hà cho biết, khi nhận câu hỏi này, bản thân chị cũng khá ngạc nhiên vì chưa thể hình dung về một bản thiết kế hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tình cờ bắt gặp hình ảnh ngôi nhà bỏ hoang với mái ngói in màu thời gian, chị đã quyết định đây sẽ là vật liệu xây dựng nên Bảo tàng Đạo Mẫu. Ý tưởng này cũng nhanh chóng nhận được sự đồng điệu của nghệ sĩ Xuân Hinh.

Nghệ sỹ Xuân Hinh chia sẻ: “Có một điều gì đó thôi thúc tôi đồng ý, điều này khó diễn tả được tại sao. Đơn giản là cái gì của văn hóa dân tộc, mình thấy nó hay, nó của Việt Nam là mình thích… Ngày xưa tôi cũng đi bắt từng viên ngói, đó là công sức, là những thứ mình lao động vất vả mới có được viên ngói đấy. Giờ đô thị hóa mà bỏ đi thì tiếc, nên tôi thu thập từ bao nhiêu ngôi nhà về làm đẹp cho Bảo tàng Đạo Mẫu, cũng kì công và nhiều vất vả”.

Nghệ sĩ Xuân Hinh và kiến trúc sư Nguyễn Hà bàn ý tưởng – Nguồn ảnh: NS Xuân Hinh

Thu gom ngói trong 8 năm, trải qua 4 năm xây dựng, Bảo tàng Đạo Mẫu giờ đây đã chính thức được thành hình. Nghệ sỹ Xuân Hinh mong muốn xây dựng nên một công trình văn hóa ấn tượng, với những vật liệu của quá khứ đã được “tái chế” để dùng cho hiện tại, làm nên vẻ đẹp đầy tính linh thiêng cho Bảo tàng Đạo Mẫu.

Trên diện tích 5000 mét vuông tại xã Hiền Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cơ ngơi của Xuân Hinh được thiết kế tích hợp các khu chức năng mới như nhà ở, phòng trưng bày và một nhà bếp xung quanh ngôi nhà cũ, hiện phục vụ như khu vực trưng bày hiện vật.