PNO – Những trách móc của dư luận liệu có bằng bản thân người mẹ có 3 con tử vong trong vụ cháy ở Đà Lạt đang tự trách mình?

Vụ cháy nhà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) dẫn đến cái chết thương tâm của 3 cháu nhỏ: 6 tuổi, 4 tuổi và 9 tháng tuổi là anh em ruột gây xót xa, bàng hoàng. Đọc tin trên báo cùng bình luận của bạn đọc, bên cạnh những lời chia buồn có không ít ý kiến trách người mẹ “vô tâm”, “vô ý, vô tứ”, “tắc trách”, “kỹ năng sống kém”… tôi bất giác rùng mình.

Hiện trường vụ cháy: Ảnh: SGGP

Hiện trường vụ cháy – Ảnh: SGGP

Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định do người mẹ nấu ăn cho con, trong lúc cần mua vật dụng đã khóa trái cửa rồi ra ngoài, có thể đã quên tắt bếp gas.

Tôi cũng có con nhỏ, 2 đứa sinh đôi đang tuổi lên 3. Nghĩ về người mẹ trong buổi sáng định mệnh, tôi thử đặt mình trong hoàn cảnh đó: Tất bật, sấp ngửa, lú lẫn đến bất lực. Khi hậu quả thương tâm ập đến là hình ảnh người mẹ đau đớn đến điên loạn (chị bị sốc nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện).

Sinh con không dễ và nuôi con còn khó khăn gấp bội, nhất là đối với những hoàn cảnh đơn chiếc. Được biết chồng chị làm việc ở Đồng Nai, còn chị ở Nghệ An, dịp nghỉ hè mới cho các con vào thăm cha và lên Đà Lạt thăm bà ngoại đang làm thuê ở đây. Chồng đi làm xa, chị nuôi 3 đứa trẻ ở quê, dù có người phụ trông coi thì cũng không hề đơn giản. Đứa lớn nghịch; đứa giữa mè nheo; đứa út khóc vì tã ướt, đói sữa… sẽ là cảnh tượng quen thuộc mà bất cứ người mẹ nào nuôi cùng lúc 2-3 con nhỏ sẽ hình dung ra.

Đi cùng tiếng khóc, sự vô tư của trẻ nhỏ là một người mẹ đầu bù tóc rối với hàng tá việc: giặt giũ, phơi phóng, chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp… Với ngần ấy việc, ngần ấy thứ phải lo toan, cộng thêm những năm tháng bầu bì sinh đẻ, dù có là người thông minh, tháo vát đến đâu cũng trở thành quên trước quên sau, thậm chí cau có, cáu gắt, dễ nổi “khùng”.

Từ khi có con, tôi phải thường xuyên làm việc trong tiếng khóc, sự trì níu 2 bên tay và cả nồi cá chiên, canh sôi đang bốc khói trên bếp. Từ khi có con, tôi thấy mình như siêu nhân khi có thể cùng lúc làm nhiều đầu việc.

Tôi cũng như người phụ nữ vừa mất 3 con, chỉ là một con người bình thường, vì con gồng lên, trong khi sức khỏe và trí tuệ suy kiệt lần mòn theo năm tháng. Tôi từng quên nồi thịt kho cháy khét trên bếp, quên bật nút nồi cơm, quên nêm nếm gia vị khi nấu nướng, quên tắt vòi nước trong nhà vệ sinh… Thậm chí nhiều lần mặc áo trái đi đón con khi đang nấu dở bữa cơm chiều. Tôi cũng từng để 2 con một mình, chạy vội xuống chung cư để lấy rau quả, hàng hóa do shipper giao tới… Tôi chỉ may mắn hơn chị là xui rủi chưa đến sau những lần quên và để con một mình.

Cứ sau mỗi lần quên tôi lại nhắc nhớ mình cẩn thận hơn nhưng càng cố thì não như càng lấp đầy những bất lực. Tôi thấy mình chỉ hơn 30 mà trở nên lú lẫn, đầu óc lúc nào cũng như có sương mù bao quanh.

Những đứa trẻ lớn lên từng ngày có sự trả giá rất lớn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người phụ nữ. Những ai trách móc người mẹ đau khổ kia “vô tâm”, “tắc trách”, “thiếu kiến thức” thì có lẽ chưa từng trải qua cảnh một mình nuôi 2, 3 con, loay hoay trong căn nhà, căn phòng bề bộn với tiền bạc, tã sữa, cơm nước, quần áo, đồ chơi…

Nếu không nói được những lời cảm thông thì cũng xin kìm nén những phê phán, chỉ trích. Xét cho cùng, bây giờ, những lời trách móc của mọi người đối với người phụ nữ bất hạnh vừa mất 3 con chỉ là 1 hạt cát so với “bao tải” ân hận đang dày vò bản thân của chị.

Nếu không thấu hiểu được, xin đừng nói lời cay đắng!

Hà Giang

(quận 1, TPHCM)